"Lời hứa với
cha" - câu chuyện cảm động về tình phụ tử
Từng tạo ra cơn sốt
phòng vé tại “xứ sở kim chi” khi ra mắt năm 2014, trở thành bộ phim đạt doanh
thu lớn thứ hai tại Hàn Quốc, bản hùng ca “Ode to my father” (Lời hứa với cha)
đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả nhưng cũng khiến họ phải mỉm cười khi rời
khỏi rạp chiếu phim.
Cảnh di tản của gia đình cậu bé Duk Soo trong
Chiến tranh Triều Tiên.
|
“Lời hứa với cha” (tên tiếng Anh:
"Ode to my father") là bộ phim trải dài cuộc đời đầy biến cố, gian
truân và ly biệt của nhân vật chính Duk Soo từ khi còn là cậu bé 10 tuổi theo
gia đình đi sơ tán trong Chiến tranh Triều Tiên cho tới lúc trở thành một ông
lão. Tên của bộ phim tuy giản dị, nhưng chính là chủ đề xuyên suốt mang ý nghĩa
sâu sắc về tình phụ tử thông qua một lời hứa suốt đời của một cậu bé với cha
mình khi gia đình phải sơ tán và tìm một nơi ở mới ở Busan trong Chiến tranh
Triều Tiên vào năm 1950.
Tờ Wall Street Journal có bài viết về
bộ phim, trong đó nhấn mạnh rằng lịch sử Hàn Quốc được sử dụng làm bối cảnh để
nhân vật bộc lộ tính cách cá nhân. Cậu bé Duk Soo đã bắt đầu cuộc sống của mình
với “cuộc di tản của 14.000 người tị nạn bằng tàu chở hàng SS Meredith Victory
của Mỹ từ cảng Hungnam trong Chiến tranh Triều Tiên”.
Vào một ngày tháng 12 lạnh giá, chiến
tranh bùng nổ, đoàn người chạy loạn dáo dác đầy lo sợ. Viên tướng người Mỹ ra
lệnh ném bớt hàng hóa xuống biển để dành chỗ cho người dân lên tàu SS Meredith
Victory. Cậu bé Duk Soo được cha dặn không được rời tay em gái Mak Soon. Luôn
ghi nhớ lời cha dặn, Duk Soo luôn miệng nói em gái phải nắm chặt lấy tay anh.
Trong lúc loạn lạc, Duk Soo trèo lên tàu thì phát hiện chỉ còn cầm ống tay áo
bị rách của em gái nhỏ. Trước khi trèo xuống tìm con gái, cha của Duk Soo đã
dặn cậu con trai cả: “Giờ con là trụ cột gia đình, hãy làm chỗ dựa cho mẹ và
các em con”.
Thế rồi con tàu nhổ neo, chỉ còn lại
lời hẹn giữa Duk Soo và cha cậu: Đó là gặp lại nhau ở cửa hàng bách hoá Knot
Bun ở Busan. Câu dặn dò của cha được Duk Soo ghi tạc và trở thành lời thề của
một người đàn ông.
Kể câu chuyện về số phận của một cá
nhân để nói lên số mệnh một đất nước, “Ode to my father” vừa chân thật, vừa bi
tráng với lối kể chuyện hấp dẫn, những sự kiện quá khứ - hiện tại đan xen của
đạo diễn Yoon Je Kyoon. Dù đói khổ, tha hương, Duk Soo lớn lên và trưởng thành
mà không khi nào quên lời hứa với cha. Anh không màng làm đủ mọi việc giúp đỡ
mẹ nuôi các em. Ở nơi đất khách quê người làm công nhân khai thác than, anh
từng suýt mất mạng. Trở về Hàn Quốc, để có tiền lo cho đám cưới của em gái, Duk
Soo quyết định nhập ngũ, tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Kết thúc chiến tranh
Việt Nam, Duk Soo trở về nhà và tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm cha và em gái
thất lạc năm xưa.
Trường đoạn tìm người thân của Duk
Soo trong chương trình trực tiếp quốc gia được thể hiện vô cùng chân thực. Đó
là sự mất mát của một gia đình, của các gia đình và hơn hết là cả một dân tộc
bị chiến tranh tàn phá. Nỗi đau của nhân vật khiến người xem cảm nhận được sự
đau đớn khủng khiếp của chiến tranh, của chia ly. Cuộc hội ngộ của Duk Soo với
người em gái nay đang sống ở Mỹ không thể nói tiếng Hàn hẳn đã khiến cho khán
giả xem phim phải rơi lệ vì xúc động và vui với hạnh phúc của gia đình Duk Soo.
Los Angeles Times khen ngợi “Ode to my father” là bộ phim Hàn Quốc mang đậm
tính nhân văn. “Không gì có thể lấy được nước mắt của khán giả bằng việc tái
hiện lại khoảnh khắc đoàn tụ của những gia đình ly tán do chiến tranh Nam-Bắc
Triều Tiên vào năm 1983 trên sóng truyền hình”, tờ báo viết.
Dù vậy, cuộc hội ngộ mà Duk Soo mong
suốt cuộc đời đã không diễn ra. Duk Soo đã chờ đợi đến lúc này, lúc con cháu
đông đủ và vui cười để nói ra quyết định bán tiệm bách hoá nơi hẹn gặp lại cha.
Bởi ông biết rằng ông mãi mãi không còn được gặp lại cha mình. Đây không phải
là lần đầu tiên nhân vật Duk Soo rơi nước mắt, nhưng là lần đầu tiên Duk Soo
thổ lộ nỗi lòng mình với cha. Đã vượt qua biết bao khó khăn, biết bao gian
truân, bệnh tật tưởng chừng không thể vượt qua, thế mà đến tận lúc hoàng hôn
của cuộc đời, ông mới nhìn vào chân dung của cha và bật khóc: “Cha ơi, sao cuộc
sống khó khăn đến vậy”. Khán giả xem phim hẳn hiểu rằng đó không phải lời than
vãn, càng không phải kể khổ của ông lão Duk Soo. Đó là nỗi lòng của con trai
với cha, đó chính là sự trải lòng về một lời hứa giữa hai người đàn ông mạnh
mẽ. Duk Soo đã làm được điều cha dặn dò 60 năm về trước.
Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Youn Je
Kyoon cũng nói rằng ông thực hiện bộ phim vì ông muốn nhắn nhủ tới người cha
của mình rằng ông “đã cố gắng hết sức để sống tốt và thực sự nhớ cha” và “chỉ
khi trở thành một người cha tôi mới hiểu gánh nặng của một người cha là như thế
nào”.
“Ode to my father” không có một kết
thúc hoàn hảo, phản ánh nỗi đau không thể lành của một gia đình, một dân tộc,
phản ánh sự chia tách hai miền Triều Tiên, và cũng là lời nhắc nhở về sự kết
nối quá khứ và hiện tại: Nhớ về chiến tranh để biết trân trọng hòa bình.
Trúc Khanh
Theo (baotintuc.vn)
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
EmoticonEmoticon