Sunday, April 29, 2018

Phim: Ode to my father (2014) - Tưởng nhớ và lãng quên

Từ khóa

(TGĐA) - Càn quét giải thưởng điện ảnh Daejong lần thứ 52 của Viện hàn lâm Hàn Quốc, Ode to my father, ra mắt tháng 12/2014, từng gây bùng nổ phòng vé trong những ngày đầu ra mắt khiến những người yêu thích nó phải mỉm cười hài lòng khi ra về với 10 giải quan trọng trên tổng số 24 hạng mục. Một bộ phim trải dài đời người, với những ly biệt, những nạn nhân của chiến tranh tưởng như đã quá quen thuộc, có gì nữa để làm nên chiến thắng?

Câu chuyện về một gia đình
Thành phố cảng Busan - Hàn Quốc, 60 năm sau cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên, cặp vợ chồng già Duk Soo và Yong Ja đón đám con cháu về nhà. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với cha mẹ, những người con trai, con gái cùng dâu rể của họ gửi bầy cháu cho ông bà để đi du lịch. Duk Soo cằn nhằn về việc tại sao các con không mời vợ chồng ông hoặc đưa con cái đi cùng: Như thế mà gọi là gia đình sao? (Và câu hỏi ngắn ngủi như một lời cảm thán này chính là sợi dây xuyên suốt cả bộ phim). Chuyển cảnh sang khu chợ sầm uất của thành phố, Duk Soo, lúc này vẫn là ông già tính tình nóng nảy, bảo thủ, đang phản ứng dữ dội trước đám người môi giới muốn mua lại cửa hàng bách hóa nhỏ của gia đình ông. Cửa hàng có cái tên rất quê mùa Knot Bun. Vẫn trong trạng thái cáu kỉnh, Duk Soo dắt tay cô cháu gái trở về nhà. Một ai đó va vào người Duk Soo khiến ông mất thăng bằng, ngã lại phía sau và để trượt bàn tay đang nắm cô cháu gái. Trong giây phút đó, Duk Soo nhớ lại ngày định mệnh cách đây 60 năm khi ông, lúc ấy là cậu bé 10 tuổi, để lạc mất cô em gái Mak Soon vào một ngày mùa đông tao loạn.

Tháng 12/1950, quân đội Trung Quốc tràn vào chiếm cứ thành phố cảng Hungnam, Bắc Hàn. Từng đoàn người chạy loạn tìm cách thoát khỏi chiến tranh. Họ gồng gánh bồng bế nhau tiến về phía cảng, nơi con tàu Meredith Victory của Mỹ đang bốc dỡ vũ khí rời khỏi Bắc Triều Tiên. Khi viên tướng người Mỹ ra lệnh ném bớt hàng hóa xuống biển nhường chỗ cho đoàn người di tản, Duk Soo được bố mẹ giao nhiệm vụ nắm chặt tay em gái Mak Soon để leo lên tàu. Không bao giờ quên lời bố dặn, Duk Soo luôn miệng dặn em gái: Đây không phải là sân chơi, không được đùa nghịch, phải nắm chặt tay anh. Nhưng lúc Duk Soo lên được tàu cũng là lúc trên tay cậu chỉ còn lại mảnh ống tay áo của cô em. Bố của Duk Soo, trước khi leo xuống tìm con gái, đã dặn cậu: Hãy thay bố làm trụ cột của gia đình, là chỗ dựa cho mẹ và các em. Con tàu nhổ neo, bỏ lại hai người trong gia đình nhà Duk Soo và lời hẹn của người cha về nơi họ sẽ gặp lại nhau nếu còn sống. Đó là cửa hàng bách hóa Knot Bun ở Busan.
Tha hương, chia lìa, đói khổ, Duk Soo lớn lên không lúc nào quên lời hứa với cha. Làm đủ thứ việc để phụ mẹ nuôi các em, lúc nhỏ thì đi đánh giày, đi ăn xin, lớn hơn chút thì đi làm bốc vác, bị đá ra khỏi lớp vì học trộm do không có tiền đóng học phí, bị gọi là ăn mày, rác rưởi của xã hội... Duk Soo không bao giờ nhớ những điều đó, bởi trong đầu anh chỉ có lời dặn của cha mình. Để có tiền cho em trai út học đại học ở Seoul, Duk Soo quyết định sang Đức làm công nhân khai thác than. Ở nơi đất khách quê người, anh từng suýt mất mạng, nhưng cũng chính tại nơi này, Duk Soo đã gặp được Yong Ja, người mà sau này trở thành vợ của anh. Trở về Hàn Quốc, để có tiền lo cho đám cưới của em gái, Duk Soo quyết định sang gia nhập quân đội, tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Duk Soo trở về nhà và tiếp tục cuộc hành trình mới khi điều kiện xã hội cho phép: Tìm kiếm cha và người em gái thất lạc của mình năm xưa....

Và số phận cả một dân tộc
Hơn sáu mươi năm lịch sử đầy biến động của đất nước và dân tộc Triều Tiên, cuộc chia li của gia đình Duk Soo kết thúc bằng cuộc hội ngộ không trọn vẹn chính là hình ảnh phản chiếu vết cắt không thể nối liền trên bán đảo Triều Tiên, biến nơi này thành hai thế giới tuy liền kề mà cách xa vạn dặm. Bằng lối dẫn chuyện cực kỳ thông minh, quá khứ - hiện tại đan xen nhau, đạo diễn Yoon Je Kyoon đã không bị “chìm” vào bất cứ một giai đoạn nào trong hành trình 60 năm theo bước chân Duk Soo. Hơn thế nữa, ông đã sử dụng những chi tiết làm cho câu chuyện phim thực sự giống như một lời hứa, một lời thề sinh tử giữa người cha và con trai, giữa những người đàn ông. Ode to my father chính là cây cầu nhắc nhớ quá khứ và hiện tại, là cốt cách làm nên đất nước Hàn Quốc ngày hôm nay.
Hwang Jung Min, một trong những diễn viên bận rộn và linh hoạt nhất của điện ảnh Hàn Quốc rũ bỏ hình ảnh quyến rũ để vào vai Duk Soo ở tuổi hai mươi cho tới 70. Anh đã hóa thân trọn vẹn thành một người đàn ông đã dành cuộc sống của mình để chờ đợi sự trở lại của người cha mà điểm hẹn là cửa hàng Kkot Bun ở Busan. Cho đến khi cha trở về, ông sẽ không đời nào bán nó cho ai, với bất cứ giá nào, mặc kệ người đời mắng ông là kẻ gàn dở, cứng đầu và bảo thủ. Là nạn nhân của bi kịch chiến tranh, Duk Soon trở thành “người đàn ông của gia đình” sẵn sàng vì mẹ, các em mà đặt sang một bên những khát vọng riêng của mình, giống như nhân vật George Bailey trong It is Wonderful Life. Nhưng Ode to my father có đầy đủ các màu sắc để tạo nên một tác phẩm điện ảnh đậm chất phương Đông vốn coi trọng hai chữ gia đình và người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà sẽ là trụ cột, là chỗ dựa cho cả nhà. Vào lúc hoàng hôn của cuộc đời, Duk Soo vẫn hy vọng tìm thấy cha. Cho dù đã gặp lại người em gái sau ba thập kỷ xa cách, nhưng Duk Soo vẫn nhớ cha tha thiết. Ông nén tìm cảm của mình mỗi khi nhìn vào bức chân dung của cha. Người đàn ông mạnh mẽ chỉ khóc và thổ lộ nỗi lòng với người đàn ông mạnh mẽ hơn mình. Với Duk Soo, người đàn ông mạnh mẽ hơn ông chính là cha ông.

Ode to my father không chỉ là cuốn biên niên sử về cuộc đời của Duk Soo mà còn là ký ức của hàng ngàn hàng vạn gia đình bị chia cắt trong cuộc chiến tranh thập niên 1950. Họ đã phải chờ đợi quá lâu để có cuộc đoàn viên, nhưng cũng có những người bặt vô âm tín, như cha của Duk Soo. Còn Duk Soo không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm người em gái và cha. Lần thứ nhất được mời đến trường quay chương trình “Như chưa hề có cuộc chia li”, anh đã không tìm được cha, nhưng đến lần thứ 2, Duk Soo đã khiến cho hàng triệu khán giả xem phim rơi lệ trong cuộc hội ngộ bất ngờ với người em gái nay đã là con nuôi Mỹ, không thể nói được tiếng Hàn. Nhưng hình ảnh chân thực nhất, chủ trương dàn dựng táo bạo của đạo diễn Yoon Je Kyoon được sự trợ giúp của những thành viên ưu tú gồm nhà quay phim Choi Young Hwan (The Berlin FileThe Thieves) và các nhà thiết kế sản xuất tài năng Ryu Seong Hie (MotherOldboyA Bittersweet Life) đã khiến cho phim ảnh không còn là những gì diễn ra trên màn ảnh mà chính là cuộc sống thực: Sống động và xúc động!

Cuộc chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên thập niên 1950 không phải là chủ đề mới của điện ảnh Hàn Quốc. Và như thế, câu chuyện màđạo diễn Yoon Je Kyoon đề cập tới trong Ode to my father cũng không có bất cứ điều gì mới, nhưng ông đã có một cách kể chuyện hấp dẫn để người xem dung nạp toàn bộ nội dung phim mà không cảm thấy đó là những điều vốn đã xưa cũ.

(Theo Anh Đào - http://thegioidienanh.vn)

Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
  • Lazada : Mở chương trình "giá khuynh đảo", giới hạn mỗi người mua tối đa 2 sản phẩm Click xem
  • Adayroi : iPhone 7 lần đầu về giá dưới 15 triệu đồng Click xem
  • Tiki : Giảm 10% cho thẻ tín dụng HSBC Click xem

Bài liên quan


EmoticonEmoticon