Friday, August 15, 2014

Tín dụng khu vực tư nhân: Phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế vùng

Từ khóa

Những năm qua, DN khu vực tư nhân đóng góp đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, đầu tư tín dụng cho khu vực này vẫn chưa tương xứng tiềm năng của nó, mà vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một điển hình. Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, tập trung phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân với nòng cốt là các DN hoàn toàn có thể là khâu đột phá và miền Trung không là ngoại lệ.
TS. Vũ Đình Ánh
Vậy vì sao DN tư nhân miền Trung vẫn chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển, thưa ông?
Tương tự như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các DNNVV thuộc khu vực tư nhân miền Trung chiếm tuyệt đại đa số, với quy mô vốn và lao động nhỏ, trình độ sản xuất kinh doanh hạn chế, công nghệ lạc hậu, ít khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính, trong đó có nguồn tín dụng. Chính vì vậy, một bộ phận đáng kể DN tư nhân èo uột, khó phát triển, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, dừng hoạt động.
Ở góc độ khác, hiện nay khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và vốn FDI lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng. Trong khi bản thân họ lại chưa chủ động để được coi là đối tác bình đẳng trong giao thương do tư tưởng chờ đợi sự “ban phát” và “dựa dẫm” vào Nhà nước. Mà vấn đề cốt lõi trong hoạt động tín dụng đối với khu vực kinh tế tư nhân đến cả từ phía cung lẫn phía cầu.
Theo ông, dòng tín dụng cần được định hướng ra sao để đảm bảo đến đúng địa chỉ?
Theo quan điểm của tôi, quy mô và chất lượng tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân không thể cải thiện nếu tín dụng không gắn bó chặt chẽ với lựa chọn và xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đúng đắn, hợp lý và khả thi. Nếu chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là phát triển du lịch, kinh tế biển thì việc xác định vai trò và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân sẽ khác. Theo đó, định hướng tín dụng cho khu vực này cũng sẽ khác so với lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp chế biến hay lọc hoá dầu…
Tín dụng cho DN khu vực tư nhân cũng phải tuân thủ các quy luật thị trường tài chính tín dụng. Quy mô tín dụng cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung, cho khu vực kinh tế tư nhân nói riêng chỉ tăng trưởng một cách bền vững khi đi đôi với đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế phát sinh nợ xấu dưới sự chi phối của quy luật cung - cầu và cạnh tranh trên thị trường…
Nói cách khác, mỗi hợp đồng tín dụng của DN khu vực tư nhân tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải được đặt trong sự lựa chọn cạnh tranh với hợp đồng tín dụng của các DN khác trong vùng, trong nước và thậm chí tới đây là trong khu vực quốc tế.
Một vấn đề cần đề cập đến nữa là nhu cầu vốn tín dụng của DN tư nhân và khả năng đáp ứng nhu cầu này cần đặt trong mối quan hệ tổng thể, phối hợp, bổ sung với các nguồn vốn, nguồn lực khác. Vốn tín dụng có vai trò quan trọng nhưng không là duy nhất mà phải cân đối nguồn vốn này trong quá trình huy động và sử dụng vốn của DN, trong đó cần chú ý tới đặc điểm của vốn tín dụng là phải hoàn trả gốc và lãi đúng hạn đi đôi với rủi ro về biến động lãi suất, điều kiện tiếp cận tín dụng. Việc sử dụng đòn bẩy nợ, kể cả nợ vay tín dụng quá cao luôn tiềm ẩn khả năng vỡ nợ, thậm chí phá sản.
Điểm cuối cùng, tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân cần hài hòa hóa quan hệ kinh tế tài chính giữa khu vực kinh tế Nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng, chèn ép trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong tiếp cận các nguồn lực tài chính, tín dụng…

Công nghiệp cơ khí được xác định là ngành trọng điểm các tỉnh miền Trung
Làm thế nào để DN tư nhân tại miền Trung có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng, thưa ông?
Rào cản lớn nhất của đại bộ phận DN tư nhân là thiếu tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp khi muốn tiếp cận tín dụng. Trong khi chờ đợi các quy định mới về cho vay không cần tài sản đảm bảo thì giải pháp phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng là cứu cánh cho không ít DN vượt qua trở ngại tiếp cận được vốn vay.
Theo tôi, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên đi đầu trong tạo điều kiện phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng cả về quy mô, phạm vi hoạt động, cũng như giảm gánh nặng về phí bảo lãnh cho các DN trên địa bàn. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN ngoài quốc doanh hiện nay đang chứng tỏ là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, không nên tự giới hạn đối tượng là các DNNVV mà nên mở rộng thành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN ngoài quốc doanh.
Để thúc đẩy các DN khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, hạn chế “tín dụng đen” thì việc khắc phục tâm lý e ngại, tình trạng thiếu hiểu biết của một bộ phận DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ, mới thành lập, trong quá trình lập hồ sơ vay tín dụng là cần thiết và cấp bách. Theo đó, có thể xem xét lập Trung tâm dịch vụ tín dụng thực hiện chức năng cầu nối giữa DN với TCTD thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tín dụng, hướng dẫn và hỗ trợ DN lập hồ sơ vay vốn tín dụng, giúp đỡ DN tiếp cận với TCTD...
Xin cảm ơn ông!
Thanh Huyền thực hiện
Theo http://thoibaonganhang.vn/

Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
  • Lazada : Mở chương trình "giá khuynh đảo", giới hạn mỗi người mua tối đa 2 sản phẩm Click xem
  • Adayroi : iPhone 7 lần đầu về giá dưới 15 triệu đồng Click xem
  • Tiki : Giảm 10% cho thẻ tín dụng HSBC Click xem

Bài liên quan


EmoticonEmoticon