Friday, August 15, 2014

Lãi suất cho vay tín chấp: Sự cân bằng giữa rủi ro và tín nhiệm

Từ khóa

Lãnh đạo NHNN cho biết: NHNN đã làm việc và chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, đồng thời cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, giảm chi phí cho khách hàng vay vốn.
Lãi suất cho vay tín chấp vẫn ở mức cao
Đẩy mạnh cho vay tín chấp ví như mũi tên nhắm tới nhiều đích khi các TCTD có thể tăng thu lợi nhuận, khách hàng không có tài sản thế chấp có thêm cơ hội tiếp cận vốn làm ăn. Đồng thời, dòng chảy tín dụng nền kinh tế được khơi thông trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế chưa cải thiện nhiều... Song, chủ trương này vẫn khó thực hiện được khi một số tổ chức tài chính, cho khách hàng vay với lãi suất còn cao.

Rất nhiều công ty tài chính bỏ qua tiêu chí an toàn tín dụng chấp nhận cho vay tín chấp lãi suất cao
Ông V.N.T ngụ tại đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng) cho biết, vợ chồng ông vì gia cảnh nghèo khó muốn vay 30 triệu đồng để kinh doanh nhỏ. Qua giới thiệu của một người bạn, ông đến một đơn vị trên địa bàn để vay 30 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng. Sau khi nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch hẹn 1 tuần sau quay lại với lời hứa cam kết lãi suất tốt và phù hợp với khả năng trả nợ.
Đúng hẹn, ông V.N.T nhận 30 triệu đồng kèm theo thông báo mỗi tháng vợ chồng ông phải trả cả gốc lẫn lãi là 1.609.000 đồng. Con số trên được tính toán cụ thể trên một bảng nợ, mà nhìn vào đó ông mới thấy lãi suất ghi rõ 3,75%/tháng, tức 45%/năm.
“Nếu so với mức lãi vay tín dụng đen bên ngoài thì cũng không khác là mấy. Bản thân những người lao động đã khó khăn mới đi tìm vay nguồn vốn không phải từ tín dụng đen, nhưng nay phải trả lãi suất 45%/năm thì chịu sao thấu”, ông V.N.T chua xót cho biết.
Trường hợp của ông V.N.T không phải là cá biệt khi thời gian qua rất nhiều công ty tài chính chạy theo lợi nhuận đẩy mạnh tiếp thị khách hàng vay với lãi cao. Thậm chí, các công ty này cố tình bỏ qua các tiêu chí an toàn tín dụng, chấp nhận cho vay bằng mọi giá. Như trường hợp tại Công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam (ACS), cho vay 10 triệu đồng trong vòng 6 tháng thì mỗi tháng khách hàng phải trả lãi suất 2,2%/tháng, tương đương 26,4%/năm. Hay như Công ty tài chính PPF Việt Nam (PPF) tính sơ bộ khoản vay trên 10 triệu đồng, thời gian vay 12 tháng, người vay trả góp với lãi suất mà PPF áp dụng dao động từ 1,68 - 5,6%/tháng (tương đương 20,16 - 67%/năm).
Còn đối với các DN vay tín chấp, hiện lãi suất dao động 12 – 14%/năm. Nhưng số DN được vay tín chấp vào thời điểm này không nhiều bởi tình hình tài chính khó khăn, dòng tiền chưa tốt, nên các TCTD cũng khá thận trọng. Cho vay tín chấp sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền, nhưng Tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không dễ để kiểm soát dòng tiền của DN. Nếu kiểm soát dòng tiền có nghĩa là tất cả mọi hoạt động DN, tiền ra tiền vào, kể cả hợp đồng thay đổi, hay khách hàng nhỏ lẻ chỉ chuyển khoản một phần tiền mua hàng còn lại trả tiền mặt… đều phải trình NH. Điều kiện này không phải DN nào cũng có thiện chí chấp thuận.
Chữ Tín đáng giá bao nhiêu?
Đánh giá về mức lãi suất cao ngất ngưởng của các công ty tài chính, TS. Cấn Văn Lực khẳng định: “Không có một tổ chức tài chính, tín dụng nào làm ăn đàng hoàng lãi suất cho vay lại cao khủng khiếp này. Cách làm này chắc chắn là bậy rồi”.

Lịch trả nợ của ông V.N.T với lãi suất cho vay 45%/năm
Nhìn ở góc độ khách quan hơn, Phó tổng giám đốc một NH nước ngoài cho rằng, cho vay tín chấp dựa trên uy tín của từng khách hàng, vì không có tài sản đảm bảo thế chấp. Rất khó có mặt bằng lãi suất chuẩn đối với cho vay tín chấp mà chỉ trên nguyên tắc là khách hàng có độ tín nhiệm cao thì được hưởng lãi suất hợp lý hơn khách hàng có độ tin cậy thấp. Nhưng ông cũng lắc đầu ngán ngẩm với mức cho vay lên tới 45%/năm, hay 67%/năm, bởi nó vượt quá sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng của khách hàng.
So sánh với các quốc gia khác có thể không chính xác hoàn toàn, nhưng theo lãnh đạo một NHTM không có nước nào trên thế giới áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp cao như vậy. Đơn cử như tại Singapore, mức lãi suất cho vay tín chấp kỳ hạn 12 tháng dao động từ 12-14%/năm. Tại Ấn Độ, cũng là nước đang phát triển, nhưng với kỳ hạn 12 tháng lãi suất chỉ từ 14 - 17%/năm.
Trao đổi với phóng viên TBNH về nguyên nhân một số công ty tài chính cho vay quá cao, một lãnh đạo cấp Vụ của NHNN cho biết, do các khoản vay này thường nhỏ lẻ, có giá trị thấp (nhiều khoản vay chỉ từ 1-5 triệu đồng), thời hạn cho vay ngắn (từ vài ngày đến 1 tháng và hầu hết là dưới 1 năm), thời gian xét duyệt cần nhanh, thủ tục đơn giản. Có trường hợp theo yêu cầu của khách hàng, cán bộ tín dụng đến tận nhà hoặc tại cửa hàng mà khách hàng mua hàng để làm thủ tục cho vay, nên chi phí cho vay cao.
Mặt khác, các khoản cho vay này có mức độ rủi ro cao do nhiều khách hàng có mức độ tín nhiệm thấp, khoản vay không có tài sản bảo đảm, khó xác định chắc chắn tình hình tài chính và thu nhập của khách hàng để đánh giá khả năng trả nợ. Đối với trường hợp cụ thể tại các công ty tài chính, theo vị lãnh đạo trên, do nguồn vốn cho vay chủ yếu là nguồn vốn trung dài hạn nên lãi suất cho vay cao hơn. Vì theo quy định của pháp luật thì các công ty này không được huy động vốn từ dân cư nên nguồn vốn ngắn hạn với lãi suất thấp bị hạn chế.
Mặt khác, mặc dù mức lãi suất niêm yết của các khoản cho vay tiêu dùng tính theo %/năm ở mức cao, nhưng các khoản cho vay này có đặc thù là thời hạn rất ngắn, thậm chí vài ngày hoặc 1 tuần, nên số lãi phải trả của các khoản cho vay không nhiều.
Trên thực tế, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 6%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Hiện các khoản cho vay trên thị trường “tín dụng đen” như cho vay cầm đồ thì số tiền lãi phải trả hàng ngày lên tới 2.000 - 3.000 đồng/triệu đồng. Với mức trả lãi theo ngày của “tín dụng đen” tương đương với lãi suất khoảng hơn 100%/năm thì mức lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân của các TCTD vẫn thấp hơn nhiều, nên việc cho vay tiêu dùng tín chấp hiện nay cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trong xã hội.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng cho biết thêm: NHNN đã làm việc và chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, đồng thời cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, giảm chi phí cho khách hàng vay vốn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
Không thể cào bằng
Lãi suất cho vay tín chấp tùy khẩu vị rủi ro của các NH cũng như những rủi ro của chính khách hàng. Trong tính toán lãi suất của NH có một số mô hình và phổ biến nhất hiện nay là định giá dựa trên rủi ro. Tức là xác định lãi suất cho vay dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn của khách hàng. Dựa trên mô hình này, rủi ro trong tín dụng tiêu dùng rất cao.
Ví dụ, đối với khách hàng mà NH xác định tỷ lệ rủi ro mất vốn lên đến 10%. Nếu NH cho vay 24%/năm thì họ khấu hao đi 10%/năm chi phí rủi ro cộng với lãi suất huy động đầu vào kỳ hạn trung, dài hạn 7 - 8%/năm, cộng các chi phí khác thì thực tế mức % lãi suất còn lại của NH được hưởng không phải là quá nhiều.
Đó cũng là lý do lãi suất cho vay tín chấp bao giờ cũng phải cao. Việc NH hút được khách vay với mức lãi suất cao hay không tôi nghĩ tùy nhu cầu cũng như mức độ chịu đựng của khách hàng. Vì các món vay thường giá trị nhỏ, có thể tỷ lệ phần trăm lãi suất cao, nhưng giá trị tuyệt đối tiền lãi phải trả thì không cao lắm.
Mặt khác, về đối tượng cho vay, mục đích cho vay, quản lý rủi ro… của mỗi NH hoàn toàn khác và nếu đem hoạt động vay tín chấp cho mục đích tiêu dùng so với hoạt động NHTM tài trợ cho sản xuất, đầu tư thì không thể so sánh được. Chính vì thế, không nên so sánh cho vay tín chấp lĩnh vực này với lĩnh vực kia cao hay thấp. Vì ở lĩnh vực nào tỷ lệ rủi ro thấp hơn thì đương nhiên lãi suất thấp hơn.
Do các NHTM hiện gặp khó khăn trong cho vay sản xuất kinh doanh nên đẩy mạnh vốn tín dụng cho vay tiêu dùng, nhất là tiêu dùng tín chấp, là một hướng đi. Tuy nhiên, thực tế, quy mô cho vay tiêu dùng tín chấp chiếm rất nhỏ, theo tôi chỉ chiếm khoảng dưới 1% trong tổng thị phần tín dụng hiện nay.
Mặc dù vậy, quan điểm của tôi, đây chỉ là giải pháp tạm thời chứ NH không nên tập trung nhiều hoạt động này mà chú trọng vào hoạt động tài trợ thương mại đối với khách hàng khu vực sản xuất kinh doanh. Vì để làm hiệu quả mảng tín dụng tiêu dùng phải áp dụng một mô hình hoạt động hoàn toàn khác với những con người, quản trị rủi ro khác, thậm chí hình thức pháp lý khác. Nếu muốn làm, tôi nghĩ NH nên thành lập công ty trực thuộc để chuyên biệt hóa. Nếu không tách ra làm độc lập mà để tập trung như vậy, các NHTM chưa chắc làm tốt bằng các công ty tài chính.
Ông Vương Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hàng may mặc Hải Tuấn (Bắc Ninh):
Lãi suất cao làm khó DN
Là công ty sản xuất và gia công hàng may mặc xuất khẩu, để đầu tư nhà xưởng và máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài nguồn vốn tự có, công ty phải vay thêm vốn NH bằng tài sản thế chấp chính là nhà xưởng. Có thời điểm công ty vay 400 triệu đồng từ NH. Với các khoản vay này, công ty luôn trả nợ gốc và lãi đúng hạn, không để tình trạng nợ xấu xảy ra. Đến thời điểm hiện tại công ty đã trả hết nợ NH.
Công ty chúng tôi có hơn 50 lao động thường xuyên đang thực hiện các hợp đồng gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Nhiều thời điểm DN cần số vốn lớn để đầu tư thêm máy móc nhưng gặp phải hạn chế khá nhiều về hạn mức vay căn cứ theo giá trị tài sản thế chấp.
Song hiện nay, NH muốn cho DN vay theo hình thức tín chấp cũng rất khó bởi liên quan đến nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, trong khi sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thấp thì lãi suất vay tín chấp thường cao hơn cho vay có tài sản thế chấp nên sẽ càng làm khó cho DN. Bởi vậy, công ty cũng chưa có ý định vay tín chấp NH.
Chị Nguyễn Thị Huế, Kế toán Công ty TNHH Direkt Á Châu (Ba Đình - Hà Nội):
Chỉ nên gấp 1,5 lần
Tôi đang có nhu cầu vay 40 triệu đồng phục vụ cho công việc. Do không có tài sản đảm bảo nên tôi vay qua tín chấp. Qua tìm hiểu các đơn vị đang cho vay tín chấp hiện nay, cả NH và công ty tài chính như Prudential, HSBC, VPBank… cho thấy các thủ tục cho vay tín chấp khá đơn giản và phù hợp với những người không có tài sản thế chấp như tôi. Chỉ cần hộ khẩu, chứng minh thư và bảng xác nhận lương hay có tài khoản tín dụng là được vay.
Theo các nhân viên tư vấn của NH, số tiền cho vay tín chấp cũng khá cao, từ 30-300 triệu đồng tùy thuộc vào điều kiện và mức độ vay. Thời gian cho vay cũng linh hoạt từ 12 - 60 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay tín chấp vẫn còn khá cao. So với các khoản vay có tài sản đảm bảo chỉ trên dưới 10%/năm thì lãi suất cho vay tín chấp theo tìm hiểu của tôi ở mức từ 18-45%/năm.
Đây thực sự là mức lãi suất khá cao và sẽ tạo áp lực không nhỏ cho người vay nếu như phải vay với khoản tiền lớn. Mức lãi suất chào mời thấp nhất tôi nhận được từ một đơn vị cho vay tín chấp là khoảng 1,1% - 1,7%/tháng, được tính theo phương pháp “lãi suất phẳng” theo dư nợ giảm dần.
Tôi cho rằng, hiện nay các NH cho vay đối với tài sản thế chấp ở mức 7 - 10%/năm thì mức cho vay tín chấp chỉ nên gấp rưỡi là phù hợp. Bởi tuy là vay tín chấp nhưng người vay cũng phải có sự đảm bảo nhất định như chứng minh được mức thu nhập, khả năng trả nợ...
Hà Thành

Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá
  • Lazada : Mở chương trình "giá khuynh đảo", giới hạn mỗi người mua tối đa 2 sản phẩm Click xem
  • Adayroi : iPhone 7 lần đầu về giá dưới 15 triệu đồng Click xem
  • Tiki : Giảm 10% cho thẻ tín dụng HSBC Click xem

Bài liên quan


EmoticonEmoticon